Các chỉ số IQ, EQ, AQ, CQ, PQ, SQ là gì? Khác nhau như thế nào?

Các chỉ số IQ, EQ, AQ, CQ, PQ, SQ thường được thấy nhắc tới trong các mức độ đánh giá về con người. Vậy các bạn có biết các chỉ số này là gì và khác nhau thế nào không? Nếu không thì hãy cùng tới với bài viết dưới đây của KienThucVui.vn để hiểu rõ thêm về chúng.

Chỉ số IQ EQ AQ CQ PQ SQ

1. Chỉ số IQ

Chỉ số IQ viết tắt của từ Intelligence Quotient dịch ra có nghĩa là chỉ số thông minh. Chỉ số IQ đo mức độ thông minh "thô" của bạn. Nghĩa là IQ sẽ đo lường khả năng trí lực, năng lực học hỏi, khả năng hiểu và xử lý tình huống, năng lực suy nghĩ logic, phản biện, sự nhạy bén trong suy nghĩ… Trí thông minh có thể được đo tổng quát trong mọi lĩnh vực, và được đo theo từng lĩnh vực cụ thể.

Chỉ số IQ được tính bằng phép tính (tuổi khôn/tuổi thực) × 100. Tuổi thực là độ tuổi khi bạn thực hiện bài test, tuổi khôn là mức điểm của những bài test IQ kiểm tra về trí tuệ của bạn.

Từ rất lâu ngày trước, IQ được xem như là một chỉ tiêu để đánh giá sự thành công của một người kể từ khi họ chỉ là một đứa trẻ. Nhưng những nghiên cứu sau này chỉ ra suy nghĩ này là không chính xác.

IQ chỉ là một yếu tố góp phần tạo nên thành công mà thôi, bởi ngày nay người ta muốn coi trọng chỉ số EQ hơn là IQ.

Chỉ số IQ

2. Chỉ số EQ

Chỉ số EQ viết tắt của từ Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số cảm xúc. Chỉ số này dùng để đánh giá khả năng sáng tạo và óc tưởng tượng của mỗi một con người.

Từ năm 1990, khái niệm về chỉ số thông minh EQ được đưa ra bởi nhà tâm lý học Peter Salovey và John Mayer. EQ dùng để đánh giá mức độ, năng lực, hay kỹ năng của một người trong việc cảm nhận hay đánh giá cảm xúc của người khác và quản lý cảm xúc của chính bản thân mình.

Trong môi trường làm việc hiện tại, sự liên kết giữa các nhân viên trong một công ty là một vấn đề rất quan trọng và được các nhà tuyển dụng cực kỳ quan tâm nên chỉ số EQ dần có vị thế quan trọng hơn so với chỉ số IQ. Một nhà tuyển dụng từng nói: "Tôi tuyển lựa người có IQ cao nhưng người có EQ mới là người khiến tôi muốn đề bạt."

Trong một thời gian dài người ta dùng chỉ số IQ để tìm kiếm người tài vì tin rằng người có IQ cao sẽ có xác suất thành công cao hơn người khác. Tuy vậy một số nghiên cứu khoa học lại cho thấy chỉ 25% số người thành công là có chỉ số IQ cao hơn trung bình. Nghĩa là chỉ số IQ không giải thích được sự thành công vượt trội của 75% số người còn lại. Kết quả nghiên cứu đã loại yếu tố về năng lực chuyên môn. Cuối cùng những người nghiên cứu khẳng định rằng chỉ số EQ mới là yếu tố quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của mỗi chúng ta.

EQ giúp bạn có thể nhận biết cảm xúc của bản thân và đồng nghiệp tạo sự tiếp xúc và trao đổi hiệu quả trong công việc. Khi bạn biết tự đánh giá điểm yếu điểm mạnh của bản thân và người khác sau đó có thể thoải mái nhìn lại những lỗi sai và sửa chữa nó hoặc góp ý đề bạt với người khác ý kiến của mình.

EQ cao giúp bạn có thể giữ được bình tĩnh trong công việc, không xử lý bốc đồng khi gặp phải trường hợp bất lợi và lạc quan kể cả khi đứng trước thử thách khó khăn nhất.

Chỉ số EQ

3. Chỉ số AQ

AQ là viết tắt của từ Adversity Quotient dịch ra là chỉ số vượt khó. AQ là chỉ số đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các áp lực và tình huống khó khăn.

Khả năng đương đầu với nghịch cảnh khiến cho một người dễ dàng nắm giữ thành công hơn cả. Bởi vì một lẽ nếu bạn không bỏ cuộc thì bạn có cơ hội thành công nhưng nếu bạn bỏ cuộc ngay từ đầu thì bạn sẽ chỉ nhận lại được thất bại.

Tiến sĩ tâm lý học Paul G.Stoltz cho rằng, những người có AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong khi, những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai.

Paul phân định ra 3 dạng người dựa trên cách thức họ đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

Quitter là những người dễ buông xuôi. Họ dễ dàng nản chí, dễ dàng từ bỏ việc theo đuổi 1 công việc, 1 dự định và cao hơn là 1 mục đích sống. Và, kết quả là thường giữa đường đứt gánh, và nhận thất bại, hoặc kết quả không như ý.

Camper là những người chịu khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức phấn đấu rèn luyện bản thân, và sẽ làm nhiều thứ để đạt tới 1 mức độ nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ dễ hài lòng và thoả hiệp với bản thân để thấy như vậy là đủ.

Climber là những người có sự kiên định và hoài bão lớn. Họ luôn học hỏi, rèn luyện bản thân, nỗ lực cố gắng để đạt tới những mức độ tốt nhất có thể trong khả năng. Họ cũng thường là tuýp người không chấp nhận 1 tình thế sẵn có, và tìm cách xoay sở để cải thiện nó tốt hơn.

Chỉ số AQ

4. Chỉ số PQ

PQ là viết tắt của từ Passion Quotient hay còn gọi là chỉ số đam mê. Nó là chỉ số đo mức độ say mê của một người dành cho công việc mà anh ta làm.

Những nhà khoa học cho rằng nếu không có đam mê để thổi bùng lên ngọn lửa của lòng nhiệt huyết thì con người sẽ chẳng thể khám phá ra những tiềm năng vô hạn ẩn sâu trong mình. Không có sự nhiệt huyết và hứng thú cho công việc thì cơ hội để các bạn hướng tới thành công càng hẹp hòi.

Có người đã ví von rằng: "Chỉ số IQ giống như một đoạn mạch ADN rất vững chắc và rất khó để cải thiện. Còn chỉ số PQ là chất lửa trong mỗi con người, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được ngọn lửa đó."

Chỉ số PQ của con người không thể đo lường một cách chính xác. PQ không thể hiển thị dưới dạng con số hay thống kê như IQ, nó chỉ mang tính ước đoán, hàm ý và tượng trưng. Người có chỉ số PQ cao là một tài sản quý.

Chỉ số PQ

5. Chỉ số SQ

SQ là viết tắt của từ Social Quotient và được dịch ra nghĩa là Thông minh xã hội. Chỉ số này biểu thị khả năng hiểu biết về những vấn đề đang nảy sinh trong xã hội và biết cách chủ động ứng xử để phù hợp với cộng đồng.

Khái niệm này do Edgar Doll đưa ra từ năm 1937, với mục đích xác định mức độ hòa nhập vào một tập thể rộng lớn thông qua khả năng đánh giá đúng người, đúng việc, sự khôn khéo, cách xử lý có hiệu quả một cá nhân trước mỗi hiện tượng, sự kiện, mỗi tình huống cụ thể…

Đa số câu hỏi trắc nghiệm chỉ số SQ dựa vào tính đối cực do Hans Eysenek đưa ra trên cơ sở các dữ liệu lâm sàng và thống kê. SQ được xem như chiếc chìa khóa để thành công trong cuộc đời, và nếu như các chỉ số khác đều cao, cá nhân đó chắc chắn sẽ là một người thành đạt trong xã hội.

Chỉ số SQ

6. Chỉ số CQ

CQ là viết tắt của từ Creative Quotient có nghĩa là chỉ số thông minh sáng tạo. Sự sáng tạo là một lĩnh vực không bao giờ có thể thiếu của loài người. Nhờ có sự sáng tạo, lịch sử mới có sự tiến bộ của nền khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nghệ thuật mới không ngừng được đổi mới và nhân loại mới có thể tiến hóa vô hạn.

Để sáng tạo con người phải làm điều gì đó khác biệt hoặc mới bẻ so với bản thân mình hoặc những cái đã có sẵn. Người có sự sáng tạo cao sẽ không ngừng tìm tòi để tạo ra những điều mới mẻ về vật chất hoặc tinh thần khiến cách họ giải quyết mọi việc không bị bó buộc bởi đường lối cũ hay phụ thuộc vào những thứ cố hữu.

Con người thời nay nhất là giới trẻ rất cần có sự sáng tạo để có đủ điều kiện tạo nên một tương lai tốt đẹp. Mỗi người đều cần có tư duy cho riêng mình với dũng khí đi tìm cái mới trong mọi lĩnh vực. Đây là nền tảng làm cho xã hội ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.

Chỉ số CQ

Tất cả các chỉ số trên đều là những thứ rất quan trọng để các bạn có thể trang bị mọi thứ nhằm vươn tới thành công. Chúng đều rất quan trọng nhất là IQ và EQ và các bạn không thể thiếu bất cứ thứ nào trong số chúng cả.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của KienThucVui.vn về các chỉ số IQ, EQ, AQ, CQ, PQ và SQ. Sau khi hiểu rõ hơn về chúng chắc hẳn các bạn cũng có cái nhìn rõ ràng về những chỉ số đặc biệt này. Có thể thấy được rằng để trở thành một con người thành công và hoàn thiện, chúng ta không thể thiếu được bất cứ chỉ số nào trong số trên.

Viết bình luận