10+ Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 hay nhất

Mục lục nội dung

Như thường lệ, năm nay các em cũng đang trong thời gian để viết và gửi những lá thư UPU đến ban tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế. Với chủ đề cuộc thi viết thư UPU lần thứ 53 gắn liền với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới. Nếu các em vẫn chưa có ý tưởng để viết cho lá thư UPU của mình, vậy các em có thể tham khảo 10+ Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 hay nhất mà KienThucVui.vn chia sẻ với các em trong bài viết dưới đây nhé.

10+ Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 hay nhất

I. Chủ đề cuộc thi viết thư UPU lần thứ 53

UPU là viết tắt của Liên minh Bưu chính Thế giới, hàng năm, UPU tổ chức cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, không chỉ giúp cho khả năng viết văn và sự sáng tạo của các em mà cuộc thi còn giúp cho các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, góp phần nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ với xã hội, đất nước và thế giới.

Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 với chủ đề: “At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit”. Có nghĩa là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Chủ đề cuộc thi viết thư UPU lần thứ 53 gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính thế giới (1874-2024).

UPU là viết tắt của Liên minh Bưu chính Thế giới

II. 10+ Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 hay nhất

Để giúp các em phần nào nắm bắt được tinh thần của chủ đề viết thư UPU để dễ dàng đưa ra ý tưởng cho lá thư, dưới đây là một số bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 hay nhất, mời các em cùng tham khảo nhé.

1. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Mong chiến tranh không còn trên thế giới”

… Ngày… tháng… năm
Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!
Tôi đang viết bức thư này vào năm 2024, sau 150 năm kể từ khi Liên Hiệp Bưu chính Thế giới (UPU) được thành lập, sau những cuộc chiến tranh mà thế giới đã trải qua.
Nhắc đến chiến tranh, bạn sẽ nghĩ tới những đau thương, mất mát do nó gây ra. Sau và ngay trong mỗi cuộc chiến tranh hay xung đột quân sự, sinh mệnh cùng cuộc sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.
Bạn có biết khi xảy ra một cuộc chiến tranh, tất nhiên sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề cho cả những nước tham chiến và toàn nhân loại trên nhiều phương diện.
Hậu quả đáng kể của chiến tranh là thiệt hại về người. Biết bao người đã thiệt mạng vì chiến tranh, bao gồm cả những người lính trực tiếp tham gia và những người dân vô tội. Nhiều người sống sót nhưng mang di chứng như thương tật, bệnh nặng. Nhiều gia đình tan vỡ, cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.
Chiến tranh cũng gây ô nhiễm môi trường và tàn phá thiên nhiên, tài sản, phá hủy các công trình xây dựng, làm suy thoái kinh tế. Trong lịch sử loài người, chiến tranh đã hủy diệt nhiều nền văn minh. Con người phải mất nhiều năm để khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh.

Con người phải mất nhiều năm để khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh

Bạn biết không? Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh mới có được nền hòa bình như ngày hôm nay. Trong 100 năm qua, 2 cuộc thế chiến và nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc khác đã cướp đi sinh mạng của cả trăm triệu người và để lại hậu quả rất nặng nề, kéo dài nhiều thế hệ.
Bạn ơi, chiến tranh là hành động không đúng đắn và thiếu nhân văn. Biết bao người lính đã ngã xuống trong chiến tranh. Những thương binh thân thể chẳng vẹn lành. Những người vợ khóc chồng trong giá lạnh. Những trẻ em côi cút. Tất cả bởi chiến tranh. Những nỗi đau do chiến tranh gây ra âm thầm, dai dẳng, khó xóa nhòa.
Bàn tay chết chóc của chiến tranh, của khủng bố, của bạo lực vẫn đang rình rập ở nhiều nơi hòng cướp đi mạng sống của biết bao người vô tội.
Vì thế, bạn ơi, mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cần đoàn kết chống lại chiến tranh, bảo vệ nền hòa bình của nhân loại. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn và ngăn chặn mọi mầm mống chiến tranh từ sớm. Chúng ta cũng cần ngăn chặn và lên án những hành động kích động chiến tranh và khát vọng sống vì hòa bình. Bất kỳ hành động hiếu chiến nào đều cần phải bị lên án.
Các bạn học sinh cần có ý thức học tập và nâng cao bản thân, trở thành công dân có ích. Mỗi người một đóng góp nhỏ sẽ tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc. Chúng ta hãy yêu quý nền hòa bình và bảo vệ nền hòa bình quý giá của toàn nhân loại.
Tôi mong rằng thế giới sẽ không có chiến tranh để nhân loại sống trong an lành, trẻ em vui sống trong hạnh phúc. Mong rằng thế giới của tương lai - nơi bạn đang sống - luôn được bao phủ bởi hòa bình, tình thân ái và sự phát triển.
Trân trọng!
Ký tên

2. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Tự do dành cho thế hệ tương lai đa trí tuệ”

Từ thế giới đương đại, ngày... tháng... năm...
Chào bạn!
Tôi viết thư này ngay khi biết được chủ đề cuộc thi viết thư UPU năm nay - cuộc thi gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024): "Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa".
Bạn thân mến! Thế giới ngày nay chúng tôi đang sống có sự phát triển về chất nhờ vào Cách mạng công nghiệp 4.0. Nền giáo dục đã thay đổi về sứ mệnh giáo dục, về những năng lực cốt lõi của con người trong thế hệ mới. Đó chính là những điều mà thế hệ tương lai các bạn được kế thừa.
Xét trên bình diện toàn cầu, sự thay đổi lớn lao nhất về giáo dục là việc từ bỏ mô hình giáo dục khép kín sang mô hình giáo dục mở, chính là xã hội học tập mà bây giờ các bạn đã coi là lẽ đương nhiên.
Chúng ta đã giảm nhanh tỷ trọng thực hiện các khóa học trực tiếp, nhường chỗ cho học tập trực tuyến. Triết lý "giáo dục cho mọi người" đã thay bằng ý tưởng "Học tập suốt đời cho mọi người".
Văn hóa giáo dục trong thế kỷ 21 hướng vào những nguyên lý cơ bản:

1. Nguyên lý giáo dục khai phóng coi con người là cứu cánh chứ không phải là phương tiện. Giáo dục hướng tới mẫu người tự do, tức là con người được phát huy những năng lực bên trong một cách triệt để nhằm làm cho họ thành một nhân cách có những cá tính riêng biệt. Giáo dục khai phóng trao quyền cho người học để chuẩn bị năng lực ứng phó với sự phức tạp, biến đổi không ngừng và đa dạng của xã hội hiện đại.

Nguyên lý giáo dục khai phóng coi con người là cứu cánh chứ không phải là phương tiện

2. Nguyên lý giáo dục cá nhân hóa hướng vào việc đáp ứng nhu cầu phát triển riêng của từng người học, để phát huy sở trường, phát triển năng lực riêng. Việc đào tạo có nội dung thống nhất nhưng lại đáp ứng sự phát triển riêng của mỗi người.

3. Nguyên lý giáo dục dân chủ và bình đẳng với xuất phát điểm của mọi người là ngang bằng về cơ hội tiếp cận sự học, không phân biệt thành phần xuất thân, vị thế xã hội, chủng tộc, ngôn ngữ, giới tính cũng như những khác biệt về văn hóa. Điều này có nghĩa là mọi người đều có cơ hội thành đạt như nhau từ vạch xuất phát. Chúng tôi đã cạnh tranh nhau bằng sự nỗ lực cố gắng của bản thân, chứ không dựa dẫm vào bất kỳ điều kiện ưu tiên nào. Đó là ý tưởng cốt lõi về xây dựng người tự lập thân.
Vì thế, các giá trị cốt lõi tương ứng của nguyên lý giáo dục dân chủ và bình đẳng là: Con người tự lập thân, con người thực sự là chủ thể chính trị của xã hội và con người được bình đẳng về cơ hội tiếp cận "giáo dục cho tất cả mọi người".

4. Nguyên lý giáo dục đa văn hóa tạo ra những con người hiểu biết về văn hóa của đất nước mình, đồng thời có cả hiểu biết về văn hóa của các nước khác. Từ đó, con người trân trọng giữ gìn sự đa dạng về văn hóa toàn cầu, tôn trọng văn hóa khác, văn hóa của người khác. Đó là yếu tố quan trọng để con người giữa các quốc gia hiểu nhau và chung sống với nhau trên nền tảng tôn trọng văn hóa của nhau.
Toàn cầu hóa là xu thế phát triển của thế giới hiện đại. Chính vì vậy, các bạn thân mến, chúng tôi luôn chú trọng việc đào tạo những công dân toàn cầu. Khái niệm công dân toàn cầu thể hiện một thế giới quan trong văn hóa giáo dục bao gồm một tập hợp các giá trị cần thiết để con người tự do đi lại trong một thế giới rộng lớn, không bị những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán... và việc làm.
Các giá trị cốt lõi tương ứng với nguyên lý giáo dục đa văn hóa gồm: Chấp nhận sự đa dạng của thế giới hiện đại; tôn trọng con người, tôn trọng sự đa dạng văn hóa; đối thoại văn hóa để xây dựng các mối quan hệ văn hóa - văn hóa, người - văn hóa, người - người; khoan dung, thân thiện, đồng cảm với người khác và chấp nhận chung sống trong ngôi nhà toàn cầu của chúng ta.

5. Nguyên lý giáo dục đa trí tuệ đào tạo con người toàn diện, phát huy tốt nhất những năng lực khác nhau vốn có dựa trên 8 loại hình thông minh: logic - toán; không gian, vận động, tương tác - giao tiếp, nội tâm, tự nhiên (thiên nhiên), ngôn ngữ và âm nhạc.

Các bạn ơi, sự thành đạt của mỗi người dựa vào đa dạng trí thông minh đó, thế giới hiện đại, những người đa trí tuệ sẽ "tự do" hơn những người "đơn trí tuệ". Đó là lý do chúng tôi - từ quá khứ của bạn - luôn nỗ lực vì điều đó.
Gửi lời chào thế giới tương lai nhé. Hy vọng các bạn không chỉ kế thừa mà tương lai, những con người ưu tú như bạn còn có thể tạo nên thế giới tốt đẹp hơn nhờ khoa học giáo dục tiên tiến. Thế giới sẽ tuyệt vời hơn bây giờ, và các bạn sẽ nhớ tới chúng tôi, những người đang nỗ lực để bắt đầu!
Chúc cho thế giới của bạn văn minh, đa dạng và ưu tú!
Ký tên

3. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Mong bạn kế thừa một thế giới không phân biệt chủng tộc”

… Ngày… tháng… năm
Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!
Tôi đang viết bức thư này vào năm 2024, khi đâu đó trên thế giới vẫn còn phân biệt nhau về màu da, chủng tộc.
Mới đây, tôi được nghe về việc một phụ nữ lớn tuổi bị đánh đập trên con phố tại New York (Mỹ) chỉ vì bà là người gốc Á. Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 bùng nổ, có gần 3.800 vụ bạo lực nhắm vào những người Mỹ gốc Á. Họ bị cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan.
Bạn biết không, ở một số nơi trên thế giới, người gốc Phi vẫn còn bị cô lập. Họ không được uống nước chung bình, không được học cùng trường với người da trắng. Họ chỉ có thể làm những công việc nặng nhọc, mức lương thấp và ở những khu dân cư nghèo, điều kiện sinh hoạt, y tế không đảm bảo.
Tại châu Âu, sự phân biệt chủng tộc còn xuất hiện ở trong bóng đá. Tại giải vô địch Tây Ban Nha “La Liga”, cầu thủ Vinicius đã bị các CĐV Valencia nhiều lần miệt thị vì anh ấy là người da màu. Ngạc nhiên thay, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cũng không có sự bảo vệ cầu thủ người da màu ấy, thậm chí còn đưa ra những lời biện minh rằng Vinicius không nên đối phó với những kẻ phân biệt chủng tộc. Thật vô lý phải không?

Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cũng không có sự bảo vệ cầu thủ người da màu ấy

Chúng ta luôn muốn việc bất bình đẳng chủng tộc được giải quyết, nhưng vẫn còn những phim ảnh, sách báo mang hàm ý lấy người da trắng làm trọng tâm và các vai diễn bạo lực, phản diện lại là người da màu. Chúng ta luôn mang trong mình tư tưởng “mũi cao, da trắng” mới là đẹp, luôn lấy đó là tiêu chuẩn để đánh giá vẻ ngoài của một con người.
Nhưng tôi tin rằng những vấn đề này sẽ dần bị loại bỏ khi chính sách Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia được Liên Hợp Quốc đưa vào trong 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, các nước đều bình đẳng như nhau. Những màu da, chủng tộc đều không còn bị phân biệt.
Tôi biết tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người da màu khó có thể biến mất ngay lập tức bởi nó đã in sâu vào lối suy nghĩ, cách hành động của nhiều nhóm người. Dù vậy, tôi tin nếu chúng ta dành thời gian tìm hiểu về sự đa dạng sắc tộc; tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, những suy nghĩ ấy sẽ dần dần được xóa bỏ.
Mới đây, trong buổi hòa nhạc jazz mang tên “Ask Your Mama” ở Chicago Symphony Center, có đến 80% khách mời là người gốc Phi và các nghệ sĩ khách mời, nhạc trưởng đều là phụ nữ da màu. Trước đây, buổi hòa nhạc này chỉ dành cho người da trắng.
Hay như trong cuộc thi Miss Grand International 2020, người đẹp Mỹ gốc Ghana đã vượt qua 52 thí sinh khác, trở thành thí sinh da màu đầu tiên đăng quang cuộc thi danh giá này. Cô đã vượt qua mọi định kiến, rào cản để chứng minh “người da màu cũng có thể làm được”. Có thể thấy, những định kiến về người da màu đang dần được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Tôi mong rằng thế giới nơi bạn sống, tất cả mọi người đều yêu và tự hào về văn hoá, sắc tộc của mình nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt của những chủng tộc khác. Tôi mong bạn sẽ biết cách lên tiếng, thẳng thắn chống lại hành vi phân biệt chủng tộc, đồng thời thoải mái thể hiện cho mọi người trên khắp thế giới thấy đất nước, dòng máu mình đang mang đáng tự hào đến nhường nào. Đó là một thế giới đáng mơ ước - nơi tất cả mọi người đều chung sống bình đẳng và hạnh phúc.
Trân trọng,
Ký tên

4. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Mong thế giới bạn sống không còn lời công kích ác ý”

Ngày… tháng… năm
Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!.
Đây không đơn thuần là một lá thư gửi cho UPU thường niên, đây là tiếng lòng của một nạn nhân bị bạo lực ngôn từ. Thư của tôi được viết sau những giọt nước mắt và những ký ức đau thương, mong bạn đọc nó với một tâm thái cảm thông nhất. Tôi cũng mong lá thư này như cái ôm của gửi đến các bạn đồng cảnh ngộ như mình.
Là người hướng nội, tôi rất ngại trong việc giao tiếp, vòng bạn bè cũng khá hẹp. Ngày ấy, nhân dịp hội trại của trường, tôi có chụp một tấm ảnh kỉ niệm trong không khí đó. Việc chẳng có gì cho đến khi tôi đăng tải tấm ảnh đó lên mạng xã hội.
Chỉ sau một đêm, hàng loạt các bình luận tiêu cực xuất hiện trên trang cá nhân của tôi. Đa phần người bình luận là các bạn bè đồng trang lứa. Những lời miệt thị, chê bai như bủa vây lấy tôi: “Tốt khoe, nhưng xấu mà sao không biết che vậy bạn?”; “Sao trên đời này có người vừa xấu vừa tự tin đến vậy nhỉ?”, “Tưởng như phụ huynh chụp ảnh kỷ niệm cùng con ấy”...
Đất nước tôi có một câu tục ngữ rất hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vậy mà tôi lại bị chính cộng đồng mình sống, cụ thể là những bạn đồng trang lứa bạo lực bằng những ngôn từ thể hiện rõ sự công kích, chế giễu.
Tôi không biết, khi gõ những dòng miệt thị người khác, các bạn có nghĩ đến cảm nhận của người hứng chịu không? Nếu người thân của bạn cũng sở hữu ngoại hình có phần thua thiệt, bạn có đối xử với họ vậy không? Điều đáng sợ của bạo lực ngôn từ là nó “giết chết người ta từ bên trong”.

Nếu người thân của bạn cũng sở hữu ngoại hình có phần thua thiệt, bạn có đối xử với họ vậy không

Vết thương các bạn tạo ra cho tôi nó không in hằn trên da thịt nhưng nó đã len lỏi sâu vào trong tim và trí óc tôi. Thời gian đó, tôi thấy bản thân thật vô ích, mặc cảm và nóng giận với tất cả, kể cả những người thân nhất là bố mẹ mình. Tôi oán trách bố mẹ sao lại sinh mình ra với một thân hình mập mạp, đen đúa và thô kệch… Tôi còn nghĩ đến cả những hờn trách sao bố mẹ không cho tiền để đi thẩm mỹ.
Nhưng rồi, một giây phút vô tình thấy album ảnh lúc sơ sinh của mình, bao tủi hờn trong tôi vỡ oà thành giọt nước mắt ân hận vì đã có những suy nghĩ bạc nhược. Cũng trong bộ dạng xấu xí ấy, chằng chịt dây điện tim phủ quanh người,(vì tôi sinh ra có vấn đề về tim) nhưng bố mẹ vẫn rất hạnh phúc khi có sự hiện diện của tôi.
Trong lúc xấu xí, bệnh tật nhất đó, bố mẹ vẫn không từ bỏ tôi. Ấy thế mà, chỉ vì vài lời chê bai của thiên hạ ngoài kia, đã khiến tôi muốn từ bỏ mình. Khi tôi vừa xuất hiện trên cõi đời, bố mẹ đã đón tôi bằng những giọt nước mắt hạnh phúc, nuôi nấng bằng tình thương bao la và dạy bảo tôi bằng lòng vị tha cao cả.
Chính vì vậy, cho đến tận bây giờ, khi nỗi đau đã đi qua, khi vết thương đã lành, tôi vẫn còn hối hận vì ngày ấy, vì sự chê bai của các bạn mà đã làm tổn thương những người khác và đáng trách hơn là đối với bố mẹ mình.
Bạn có thể sinh ra với một vóc dáng, ngoại hình xinh đẹp đó là may mắn của bạn, nhưng không vì thế bạn có quyền công kích, dèm pha những người có vẻ ngoài thấp kém hơn mình. Vốn dĩ chẳng ai có quyền được lựa chọn thân hình và nơi mình sinh ra mà.
Theo một cuộc điều tra của nhà tâm lý học cho thấy "cứ 20 người lại có 1 người phải chịu bạo lực ngôn từ; 50 người lại có 1 người tự sát vì mắc bệnh tâm lý, nhẹ thì bị rối loạn, nặng thì có thể dẫn tới hành vi giết người, tự sát".
Tôi viết lá thư này không để tố cáo ai cả, chỉ mong ở tương lai, chúng ta hãy mở lòng ra để hiểu nhau hơn, để thế giới tốt đẹp hơn mỗi ngày! Không quan trọng bạn sinh ra như thế nào, quan trọng là bạn sống ra sao...
Thân ái!
Ký tên

5. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Bạn hy vọng kế thừa thế giới tương lai thế nào?”

… Ngày… tháng… năm
Chào bạn, người ở tương lai
Tôi xin tự giới thiệu trước nhé: Tôi đang học lớp …. , sinh sống tại …. đất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khi nhận được chủ đề của cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm nay - "Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa", tôi tự hỏi nếu được "tặng" một thế giới, người ở tương lai sẽ muốn món quà này như thế nào? Nếu tôi là bạn, tôi sẽ mong muốn mình được kế thừa một thế giới ra sao?
Vì không thể nói chuyện trực tiếp với bạn, nên tôi sẽ thử trả lời câu hỏi thứ hai nhé.
Ở thế giới tôi đang sống hiện tại - nếu lấy dấu mốc từ ngày Liên hiệp Bưu chính quốc tế ra đời năm 1847, đã có 8 thế hệ người dân trải qua với rất nhiều thay đổi. Có những thay đổi khiến hành tinh này trở nên tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những thay đổi khiến chất lượng cuộc sống của mọi người giảm sút.
Vậy nên, thế giới mà tôi ước mong mà một thế giới mà tất cả những điều hạn chế ở thời điểm hiện tại đã được "chữa lành".
Đó là một thế giới nơi xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng được thúc đẩy. Ở đó, các quốc gia thực hiện giải pháp chấm dứt bạo lực, tỷ lệ tử vong. Pháp luật, chính sách được ban hành để đảm bảo công bằng cho người dân. Giảm các nguồn tài chính, vũ khí bất hợp pháp và tham nhũng, hối lộ và tăng cường xã hội hòa bình, rộng mở, bền vững cho mọi người.

Ở thế giới này, môi trường biển và tài nguyên được bảo tồn

Ở thế giới này, môi trường biển và tài nguyên được bảo tồn. Các hoạt động giảm và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển được triển khai dưới mọi hình thức. Các chính sách, pháp luật được ban hành để chấm các hành vi săn, bắt động vật, tài nguyên biển quá mức. Những quốc gia trên khắp hành tinh tiến hành hợp tác quốc tế để phối hợp bảo vệ môi trường biển...
Và trên hết, các nền giáo dục được đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất, bởi có giáo dục, con người sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu khác. Tôi mong rằng có sự bình đẳng trong giáo dục kỹ thuật, tiếp cận kiến thức. Tất cả thanh thiếu niên và một số lượng lớn người trưởng thành biết chữ. Cơ sở vật chất ở trường học đạt chất lượng và các quỹ học bổng toàn cầu được phát triển. Tôi cũng kỳ vọng đội ngũ giáo viên chất lượng, được đào tạo qua hợp tác quốc tế...
Tôi thật sự mong những điều này và nhiều hơn nữa. Và đó không chỉ là sự mơ mộng hão huyền hay mông lung của riêng tôi, mà những thế hệ người dân đang sinh sống hiện nay đã nhận ra những "khiếm khuyết" của thế giới hiện tại và đang cùng chung tay "sửa chữa" từ hàng chục năm nay.
Chúng tôi - với tổ chức đại diện là Liên hợp quốc - vào tháng 9/2000 đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ với nội dung gồm có 8 mục tiêu, gọi là mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Cho đến năm 2015, có tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững, hay tên tiếng Anh là Sustainable Development Goals – SDG, được Liên hợp quốc thông qua.
17 mục tiêu này đều nhằm hướng đến xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta và đảm bảo tất cả người dân đều được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030.
Đó cũng chính là thế giới tôi ước muốn: một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Và tôi mong rằng thế giới trong hy vọng của tôi trùng khớp với ước mong của bạn.
Ngay từ bây giờ, tôi sẽ góp phần vào xây dựng thế giới đó. Cho dù có thể không đạt được cả 17 mục tiêu đó vào năm 2030 nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ vẫn kiên trì theo đuổi. Và chúng tôi dành tặng kết quả cho các thế hệ tương lai sau này, trong đó có bạn.
Bạn hãy đón nhận nhé.
Trân trọng
Ký tên

6. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Gửi găm hy vọng vào thế giới mà các bạn sẽ thừa hưởng”

Gửi các bạn trẻ tương lai,
Hôm nay, từ năm 2024, tôi viết thư này để gửi gắm hy vọng vào thế giới mà các bạn sẽ thừa hưởng.
Trải qua bao biến động, con người ngày nay đang nỗ lực kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi mong ước về một thế giới hòa bình, nơi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa và hướng đến sự phát triển bền vững.
Thế giới mà tôi hy vọng các bạn sẽ được sống:
- Trái đất xanh tươi: Nơi con người trân trọng thiên nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo, chung tay đẩy lùi biến đổi khí hậu.
- Cộng đồng gắn kết: Mọi người yêu thương, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, không còn phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay địa vị.

Mọi người yêu thương, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, không còn phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay địa vị

- Giáo dục tiên tiến: Kiến thức được tiếp cận dễ dàng, mọi người có cơ hội học tập và phát triển tiềm năng bản thân.
- Công nghệ vì con người: Trí tuệ nhân tạo và khoa học kỹ thuật phục vụ cho mục đích chung, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đạt được điều đó, chúng tôi đang:
- Tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu: Trồng rừng, sử dụng năng lượng sạch, phát triển các giải pháp bảo vệ môi trường.
- Thúc đẩy hòa bình và hợp tác: Giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại, tăng cường giao lưu văn hóa và kinh tế giữa các quốc gia.
- Nâng cao chất lượng giáo dục: Đầu tư vào giáo dục, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người.
- Phát triển công nghệ có trách nhiệm: Đảm bảo công nghệ được sử dụng cho mục đích tốt đẹp, phục vụ cho con người.
Các bạn trẻ tương lai,
Thế giới của các bạn đang được hình thành từng ngày. Hãy tiếp nối những nỗ lực của chúng tôi, cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Hãy nhớ rằng, các bạn chính là hy vọng của nhân loại!
Thân ái,
[Tên của bạn]
[Năm viết thư]
[Địa điểm viết thư]

7. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Mong muốn một thế giới tốt đẹp hơn”

Chào tất cả những người tìm đọc thư này từ tương lai!
Chủ đề cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53: "Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa".
Tôi viết từ một thế giới đã trải qua 150 năm kể từ khi Liên Hiệp Bưu chính Thế giới (UPU) được thành lập, phục vụ con người trên khắp hành tinh qua 8 thế hệ. Đó là một chặng đường dài, và chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn những hy vọng, những thành công, và cả những thách thức mà chúng tôi đã trải qua.

Tôi viết từ một thế giới đã trải qua 150 năm kể từ khi Liên Hiệp Bưu chính Thế giới (UPU) được thành lập

Trong tâm trí của chúng tôi, có một thế giới mà chúng tôi ao ước các bạn sẽ thừa hưởng. Đó không chỉ là một nơi với công nghệ tiên tiến, mà còn là một cộng đồng toàn cầu đoàn kết và hòa bình. Chúng tôi hy vọng rằng những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, và đặc điểm cá nhân sẽ trở thành nguồn sức mạnh, chứ không phải là nguy cơ.
UPU đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối những người ở mọi nơi trên thế giới. Bức thư này được viết không chỉ bằng ngôn ngữ, mà còn bằng tình yêu thương và sự hiểu biết. Chúng tôi đã học được rằng, bằng cách chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức, chúng ta có thể xây dựng một thế giới mà mỗi người đều được đánh giá và tôn trọng.
Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ biến đổi khí hậu đến xung đột xã hội. Nhưng nhờ vào sự hợp tác toàn cầu và lòng nhân ái, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn đó. Chúng tôi tin rằng những người tiếp theo có thể làm được nhiều hơn nữa.
Hãy giữ lấy giá trị của sự chia sẻ, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn. Hãy giữ lấy niềm tin vào khả năng của con người để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Dù có bất kỳ thách thức nào, đừng bao giờ quên rằng sự đoàn kết và sự hiểu biết là chìa khóa để vượt qua mọi khó khăn.
Chúng tôi gửi lời chào từ quá khứ, nơi chúng tôi đã cố gắng hết sức để tạo ra một nền tảng vững chắc cho bạn. Hy vọng rằng, khi bạn đọc những dòng này, thế giới của bạn đã trở nên tốt đẹp hơn và bạn sẽ tiếp tục công việc tuyệt vời mà chúng tôi đã bắt đầu.
Chúc cho thế giới của bạn đầy ắp hòa bình, tình thương và sự tiến bộ!
Trân trọng, ..............tên...........
Từ: Thế giới của chúng tôi, ngày...

8. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Mong muốn không còn nạn đói hoành hành trên Trái Đất”

... Ngày... tháng... năm......
Chào bạn,
Tôi viết thư này ngay khi biết được chủ đề cuộc thi viết thư UPU năm nay - cuộc thi gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024): "Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa".
Bạn có biết rằng thế giới của chúng ta - tôi muốn gọi như vậy dù có thể bạn còn chưa xuất hiện ở thời điểm tôi viết thư - vừa trải qua một năm 2023 đầy biến động trên mọi lĩnh vực. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy đau lòng nhất khi biết được đó là năm 2023, gần 1 tỉ người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hiện có 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo có đến 783 triệu người đi ngủ với bụng đói mỗi đêm và một số người đang trên bờ vực chết đói…
Khi bạn đọc những dòng này, tôi hy vọng rằng hành tinh của chúng ta đã trở nên tốt đẹp hơn nhiều so với thời điểm tôi đang sống. Điều mong muốn nhất của tôi đó là không còn nạn đói hoành hành trên Trái đất này.
Tại sao đó lại là điều mong mỏi nhất của tôi đối với thế giới tương lai - nơi có bạn? Chắc rằng bạn sẽ đặt câu hỏi như vậy. Đó là bởi vì từ nhỏ tới giờ, dù mới chỉ một vài lần tôi hơi bị đói do mải chơi chậm về ăn hoặc do mẹ bận việc nấu cơm muộn… nhưng tôi cũng cảm nhận được khi bị đói sẽ khó chịu như thế nào.

Tại sao đó lại là điều mong mỏi nhất của tôi đối với thế giới tương lai - nơi có bạn

Tuy nhiên, lý do chính là cụ của tôi, người năm nay đã gần 100 tuổi, đã từng trải qua trận đói lịch sử tại Việt Nam hồi năm 1945. Cụ đã kể cho tôi nghe rất nhiều về những ngày đói khổ đó và những câu chuyện cụ kể đã khiến tôi rất xúc động.
Từ những câu chuyện đó, cụ luôn dặn tôi phải trân trọng đồ ăn thức uống, không được lãng phí. Khi có thể, hãy san sẻ cho những người nghèo đói hơn mình.
Tôi cũng được biết nếu bị đói kéo dài, mọi người, nhất là trẻ em, sẽ bị suy dinh dưỡng, không đủ sức khỏe để học tập và làm việc. Cơn đói sẽ khiến mọi người cảm thấy khổ sở, chỉ tìm cách để có đồ ăn chứ không còn tâm trạng làm gì khác.
Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với bạn về hy vọng của tôi đối với tương lai, rằng bạn sẽ thừa hưởng một thế giới mà không còn nạn đói. Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu "Xóa đói" ở số 2 trong số 17 mục tiêu là mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Vì thế, tôi hy vọng rằng các bạn khi đó đã nhận được kết quả từ những hành động của chúng tôi hiện nay. Ở thế giới của chúng ta khi đó, tất cả mọi người được đảm bảo quyền tiếp cận thức ăn an toàn, dinh dưỡng, đầy đủ quanh năm cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và người dễ bị tổn thương, kể cả trẻ sơ sinh.
Tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn thế giới được chấm dứt, bao gồm cả các mục tiêu hạn chế tối đa tình trạng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Để có được những điều trên, chắc chắn rằng năng suất nông nghiệp đã được tăng lên nhiều lần cũng như thu nhập của các nhà sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ, đặc biệt là của phụ nữ, người dân bản địa, gia đình nông dân, người chăn gia súc và ngư dân cũng được tăng lên. Thế giới đã tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng để tăng cường năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất…
Tôi hy vọng rằng bạn đang sống ở một thế giới như vậy.
Trân trọng
Ký tên

9. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “"Món quà" của 8 tỉ người dành cho thế hệ tương lai”

… ngày… tháng… năm…
Chào bạn,
Tôi viết bức thư này vào năm 2024, sau 150 năm kể từ khi Liên Hiệp Bưu chính Thế giới (UPU) được thành lập, phục vụ qua 8 thế hệ con người trên khắp hành tinh.
Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Internet, với sự tiện lợi và giao tiếp không giới hạn. Dù vậy, tôi vẫn lựa chọn cách viết thư để gửi tới bạn chứ không phải là một vài đoạn tin nhắn trên mạng, như một cách để chúng ta cùng ghi nhớ về một thời kỳ, khi thư tín là những lá thư giấy được viết tay với những cảm xúc sâu sắc. Bởi tôi cũng muốn bạn cảm nhận được xúc cảm của tôi, về một thế giới mà tôi mong các bạn đang sở hữu từ những nỗ lực của chúng tôi ngày hôm nay.
Bạn có biết không, năm 2023 đã được Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu xác nhận là nóng nhất kể từ năm 1850, và có thể là năm Trái đất nóng nhất trong 100.000 năm.
Từ châu Phi, châu Á tới châu Âu, từ nước nghèo cho tới nước giàu, thảm họa tự nhiên không chừa bất cứ một mảnh đất nào. Ngay đầu năm 2023, thế giới đã bàng hoàng vì hai trận động đất liên tiếp trong vòng 12 tiếng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đã có hơn 50 nghìn người thiệt mạng vì thảm họa này, thiệt hại kinh tế gần 200 tỉ USD...

Ngay đầu năm 2023, thế giới đã bàng hoàng vì hai trận động đất liên tiếp trong vòng 12 tiếng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Liên tiếp những tháng sau đó là hàng loạt các thảm họa khủng khiếp khác như cháy rừng tại Indonesia vào tháng 6, cháy rừng dữ dội ở Hawaii vào tháng 8. Riêng trong tháng 7, Hy Lạp đã hứng chịu hơn 120 vụ cháy rừng lớn nhỏ...
Đồng thời, những trận lũ dữ dội càn quét liên tục các quốc gia và vùng lãnh thổ suốt năm 2023. Tháng 5, hơn 250 nghìn người Somalia phải sơ tán do lũ lụt. Tháng 9, tới 38 nghìn người ở Đông Bắc Libya phải di dời do ảnh hưởng của cơn bão Daniel. Tháng 10, lại là lũ lụt khiến Myanmar đóng cửa hơn 200 trường học. Tháng 11, Pháp tuyên bố tình trạng thiên tai tại 250 cộng đồng ở miền Bắc do lũ lụt...
Tôi muốn nhắc lại những điều này để bạn biết rằng Trái đất, ở thời điểm 2024, đang đối mặt với điều gì. Và các quốc gia trên toàn thế giới đang đồng thời chung tay nỗ lực, với những hành động cụ thể như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), có hiệu lực từ ngày 21/3/1994, nhằm ngăn chặn sự can thiệp "nguy hiểm" của con người vào hệ thống khí hậu được 198 quốc gia phê chuẩn.
Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc - với mục đích thắt chặt sự kết nối giữa các thế hệ và đảm bảo cho một hành tinh đáng sống trong hiện tại cũng như trong tương lai - được tất cả các quốc gia thành viên thông qua vào năm 2015... Nói riêng ở Việt Nam, từ năm 2022, Chính phủ cũng đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050".
Các quốc gia đã không chỉ đồng ý thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu mà còn chỉ ra cách thức để thực hiện các hành động đó.
Do đó, dù không biết bạn nhận được thư này vào thời gian nào, nhưng tôi mong rằng lúc này, khi bạn đọc lá thư thì cũng là lúc bạn và người thân, bạn bè, đồng nghiệp... đang tận hưởng một Trái đất không không động đất, không cháy rừng, không lũ lụt, không nắng nóng kỷ lục...
Ở thế giới mà tôi hy vọng bạn kế thừa, cây cối và muôn loài, ruộng vườn và rừng xanh, sông ngòi và biển cả sẽ được chăm lo và bảo vệ chu đáo. Năng lượng sạch và tái tạo đã trở thành phổ biến, đáp ứng tỉ trọng lớn trong nhu cầu năng lượng của con người, thay thế cho những nguồn năng lượng gây hại với môi trường. Cuộc sống của toàn thể cư dân trên trái đất thật sự đúng nghĩa với hai từ "xanh" và "sạch".
Và hãy đừng quên nhé, đó là "món quà" mà 8 tỉ người dân chúng tôi ở thế kỷ 21 trên khắp hành tinh này cùng chung tay bồi đắp dành lại cho các bạn.
Trân trọng,
Ký tên

10. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Cùng nhau hành động để bảo vệ và duy trì sự sống”

Chào bạn,
Tôi viết từ một thế giới đã trải qua 150 năm kể từ khi Liên Hiệp Bưu chính Thế giới (UPU) được thành lập, phục vụ con người trên khắp hành tinh qua 8 thế hệ. Đó là một chặng đường dài, và chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn những hy vọng, những thành công, và cả những thách thức mà chúng tôi đã trải qua.
Tôi viết những dòng này với tâm huyết và hy vọng rằng khi bạn đọc lời thư này, môi trường xung quanh bạn đã trở nên tươi mới và bền vững hơn nhiều so với thời điểm tôi đang sống. Tôi muốn chia sẻ với bạn về ước mơ và hy vọng của chúng tôi đối với một tương lai nơi mà môi trường được coi trọng và được bảo vệ như một kho báu quý giá.

Cùng nhau hành động để bảo vệ và duy trì sự sống

Ở thế giới mà chúng tôi hy vọng bạn sẽ thừa hưởng, cây cỏ, rừng xanh và đại dương biển sẽ được yêu thương và bảo vệ như những thành viên của gia đình. Chúng tôi đang nỗ lực để giữ cho đa dạng sinh học được duy trì và phát triển, từ những khu rừng sâu đến những hồ nước trong xanh. Hy vọng bạn sẽ sống trong một thế giới mà việc giữ gìn môi trường là trách nhiệm của mọi người, từ người lãnh đạo đến cộng đồng và từng cá nhân.
Trong thế giới của chúng tôi, năng lượng sạch và tái tạo đã thay thế những nguồn năng lượng gây hại cho môi trường. Chúng tôi tin rằng bạn sẽ không phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt của biến đổi khí hậu như chúng tôi đang phải trải qua. Công nghệ tiên tiến và những nguồn năng lượng mới sẽ giúp bạn xây dựng một môi trường sống bền vững và xanh mát.
Chúng tôi hy vọng bạn sẽ là những nhà lãnh đạo trong việc bảo vệ môi trường. Tôi mong bạn sẽ tiếp tục công cuộc của chúng tôi, chăm sóc và bảo vệ môi trường với tình yêu thương và trách nhiệm. Hãy giữ cho biển cả sạch sẽ, rừng xanh xanh mướt và không khí trong lành.
Cuối cùng, tôi muốn nói lên hy vọng của chúng tôi rằng bạn sẽ thừa hưởng một môi trường đẹp đẽ, nơi mà tất cả mọi người đều cùng nhau hành động để bảo vệ và duy trì sự sống cho những thế hệ sau.
Chân thành,
Ký tên

11. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Gửi những người sẽ làm chủ tương lai”

..., ngày... tháng... năm...
Chào đón các thế hệ tương lai thân mến!
Những dòng chữ này đang được viết trong bóng tối của quá khứ, nhưng cũng trong ánh sáng của hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn. 150 năm trôi qua từ khi Liên Hiệp Bưu Chính Quốc Tế (UPU) ra đời, và tôi muốn chia sẻ cảm xúc và tầm nhìn về những thay đổi sâu sắc mà thế giới chúng ta đã trải qua.
Tám thế hệ đã là nhân chứng cho sự bùng nổ của sự phát triển, sự tiến bộ của công nghệ và sự kết nối toàn cầu. Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi từ thế kỷ đầu tiên của UPU đến thế giới hiện đại, nơi mà mọi người và quốc gia được nối kết chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Gửi những người sẽ làm chủ tương lai

Ngày hôm nay, với lòng tin mãnh liệt, tôi gửi đi những dòng chữ này như một lá thư gửi tới các bạn - những người sẽ làm chủ tương lai, những người sẽ định hình thế giới tiếp theo. UPU là biểu tượng của sự hợp tác và giao tiếp, và tôi tin rằng tương lai của bạn sẽ tiếp tục phát triển những giá trị này.
Hãy tưởng tượng một thế giới nơi sự đa dạng không chỉ được chấp nhận mà còn được hoan nghênh, nơi mà mọi người không chỉ kết nối qua bưu chính mà còn qua tình người và sự hiểu biết. Thế giới của bạn là nơi mà môi trường được bảo vệ, năng lượng tái tạo trở thành nguồn chính, và mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm bảo vệ hành tinh cho thế hệ tương lai.
Giáo dục không chỉ là một công cụ để truyền đạt kiến thức mà còn là đòn bẩy để thay đổi thế giới. Tôi mơ về một thế giới nơi mọi người đều có quyền lợi và cơ hội như nhau, nơi tư duy sáng tạo và lòng đồng cảm được khuyến khích.
Công nghệ không chỉ là một phương tiện, mà còn là một đối tác trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu. Tôi ước mơ về một thế giới nơi công nghệ không tạo ra khoảng cách mà ngược lại, nó kết nối mọi người và giúp chúng ta đối mặt với những vấn đề lớn.
Khi bạn nhìn nhận thế giới, hãy lấy cảm hứng từ quá khứ, học từ hiện tại và hướng tới một tương lai mà tất cả chúng ta có thể tự hào. Tôi tin rằng bạn sẽ là những người làm nên lịch sử, định hình một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Hãy tin tưởng và tiến lên!
Ký tên

12. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: “Hãy sử dụng tri thức, sự sáng tạo và tình yêu thương để bảo vệ môi trường”

Chào các bạn tương lai của chúng ta,
Tôi viết những dòng này với lòng tin rằng khi bạn đọc được những lời này, bạn đang sống trong một thế giới nơi mà mọi người đã thấu hiểu giá trị quý báu của môi trường và đang nỗ lực để bảo vệ nó. Tôi muốn gửi đến bạn một lời nhắc nhỏ, một lời kêu gọi từ thế hệ của chúng tôi, về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Môi trường là nguồn sống của chúng ta, là mái nhà chung của tất cả mọi sinh linh trên hành tinh này. Nước biển trong xanh, rừng cây phong phú và không khí trong lành không chỉ là đẹp mắt mà còn là những yếu tố quan trọng duy trì sự sống. Chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ thừa hưởng một môi trường đẹp như chúng tôi đã được trải nghiệm, và đồng thời giữ gìn và bảo vệ nó cho những thế hệ tiếp theo.

Hãy sử dụng tri thức, sự sáng tạo và tình yêu thương để bảo vệ môi trường

Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mọi người đều đồng lòng chăm sóc môi trường. Đó không chỉ là trách nhiệm của chính phủ hay các tổ chức, mà là trách nhiệm của từng cá nhân. Tôi kêu gọi bạn hãy tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ việc tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống hàng ngày đến việc tham gia các hoạt động xã hội nhằm chia sẻ ý thức và kiến thức về bảo vệ môi trường.
Những biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học đang là thách thức lớn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, bằng chính sức lực và năng lực của bạn có thể làm nên tất cả. Hãy sử dụng tri thức, sự sáng tạo và tình yêu thương để bảo vệ môi trường. Đó không chỉ là tương lai của bạn mà còn là tương lai của chúng ta cùng nhau.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng mỗi hành động nhỏ từ bạn đều có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Hãy bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Chân thành,
Ký tên

Trên đây là tổng hợp 10+ Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 hay nhất mà KienThucVui.vn chia sẻ với các em. Mỗi bài viết là một ý tưởng bám sát theo chủ đề viết thư UPU lần thứ 53, các em có thể tham khảo và dựa vào những mẫu viết thư UPU này để đưa ra được ý tưởng bài viết thư của riêng mình nhé. Các em cũng có thể dựa theo những ý tưởng này để phát triển cách viết, triển khai nội dung viết theo suy nghĩ của mình. Hi vọng các em sẽ viết được những lá thư UPU lần thứ 53 hay nhất và đạt giải nhé.

Viết bình luận