Tình thái từ là gì?
Trong giao tiếp, chúng ta thường sử dụng rất nhiều từ tình thái. Tuy nhiên, khi được hỏi tình thái từ là gì, nhiều người không thể trả lời câu hỏi này. Vậy tình thái từ là gì? Hãy đi tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
1. Tình thái từ là gì?
Có thể hiểu tình chính là tình cảm, thái là thái độ. Như vậy, tình thái từ là những từ được thêm vào câu với mục đích biểu lộ sắc thái tình cảm của người nói. Chúng bao gồm các từ như à, ừ, nhỉ, nhé, vậy, ạ ….
Khi thêm tình thái từ vào câu sẽ tạo ra các câu cầu khiến, câu cảm thán, câu nghi vấn. Thông thường, tình thái từ được đứng ở cuối câu.
Ví dụ:
- Cháu chào cô ạ!
- Tớ làm bài tập rồi mà.
- Cậu đi học rồi à?
- Nó làm sao thế nhỉ?
2. Chức năng của tình thái từ
Tình thái từ có hai chức năng quan trọng:
a. Cấu tạo câu theo mục đích nói
Tình thái từ là phương tiện để tạo thành câu nghi vấn, câu cầu cầu khiến và câu cảm thán.
Ví dụ: Câu nghi vấn
- Bạn muốn uống nước hả?
- Anh là tài xế à?
- Anh về ư?
Ví dụ: Câu cầu khiến
- Trời mưa đi!
- Em về với!
Ví dụ: Câu cảm thán
- Ở đây không khí thích thật.
- Sướng thay miền Bắc của ta! (Tố Hữu)
b. Biểu thị tình cảm, thái độ của người nói
Ví dụ:
- Nó đi chơi về rồi hả chị? (Biểu độ thái độ hoài nghi, nghi ngờ).
- Có thật anh sẽ nghỉ việc không? (Thái độ ngạc nhiên, bất ngờ)
- Anh đi với em qua kia nhé. (Thái độ gần gũi, thân mật).
- Em ở lại đây cơ! (Thể hiện sự nũng nịu)
- Bạn cho mình đi chung với. (Thái độ nhờ cậy)
3. Phân loại tình thái từ
Dựa theo chức năng, người ta chia tình thái từ thành bốn loại chính.
- Tình thái từ nghi vấn, thường có các từ ngữ à, ư, hử, hả, chứ, chăng, …
- Tình thái từ cầu khiến, thường có các từ đi, nào, với, hãy, …
- Tình thái từ cảm thán sử dụng các từ thay, sao, ôi, trời ơi, …
- Tình thái từ thể hiện các sắc thái biểu cảm: cơ, mà, nhé, nhỉ ….
4. Cách dùng tình thái từ
Trong giao tiếp hàng ngày: Người giao tiếp cần lựa chọn những tình thái từ phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp, … sao cho phù hợp.
- Thể hiện sự lễ phép, lịch sự, kính trọng với người lớn thường sử dụng từ "ạ" ở cuối câu.
Ví dụ: Cháu xin ạ.
Cháu chào cô ạ.
- Biểu thị sự miễn cưỡng, gượng ép, thường dùng từ "vậy".
Ví dụ: Anh bận đi, em đi ngủ vậy.
Đến giờ xe chạy rồi, cháu đành đi vậy.
- Khi cần thể hiện sự giải thích thường thêm từ "mà".
Ví dụ: Con đã làm hết việc nhà rồi mà.
Thầy khuyên em học hành chăm chỉ rồi mà.
Trên đây là những thông tin giúp bạn trả lời câu hỏi Tình thái từ là gì? Hy vọng với những kiến thức bài viết mang lại sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về tình thái từ.
Viết bình luận