Nói quá là gì?

Trong đời sống hàng ngày, ta không khó để bắt gặp việc sử dụng việc nói quá. Vậy nói quá là gì? Tại sao mà nó được sử dụng nhiều trong cuộc sống đến vậy? Cùng KienThucVui tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.

Nói quá là gì

1. Nói quá là gì?

Nói quá hay phóng đại là một biện pháp tu từ nhằm phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự việc, hiện tượng với mục đích chính là tạo ra ấn tượng, tạo ra điểm nhấn, tăng sức biểu cảm cho diễn đạt.

Ví dụ:

  • Vì bị điểm kém trong bài kiểm tra nên Lan khóc như mưa.
  • Thúy Kiểu là người con gái có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
  • Sáng giờ chưa được ăn gì, đói rã cả họng.
  • Ở nơi chó ăn đá gà ăn sỏi đến cỏ không mọc nổi nữa là trồng rau trồng cà.
  • Cô An tính tình sởi lởi, ruột để ngoài da.

2. Tác dụng của biện pháp nói quá

Tác dụng của biện pháp nói quá

Dùng trong khẩu ngữ hàng ngày, trong văn học được sử dụng với chức năng nhận thức, khắc sâu hơn bản chất đối tượng, tăng sức biểu cảm, gây ấn tượng mạnh với người nghe.

Ví dụ: Buồn nẫu ruột, mệt đứt hơi, đói rã họng

Nói quá không phải nói sai sự thật, chỉ là cường điệu mức độ nhằm tạo ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Đôi khi, chúng ta có thể kết hợp biện pháp tu từ nói quá với các biện pháp tu từ khác như so sánh để câu văn, câu nói thêm sinh động hơn.

3. Ví dụ minh họa

Ví dụ 1:

Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

=>Trong câu tục ngữ trên, có sử dụng biện pháp tu từ nói quá. Đêm gì chưa nằm mà trời đã sáng, ngày gì chưa kịp cười đã tối. Thực chất việc nói quá trên là để nhấn mạnh hiện tượng "ngày dài đêm ngắn" của mùa hè (tháng năm) và "ngày ngắn đêm dài" của mùa đông (tháng mười).

Ví dụ 2:

Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.

(Nguyễn Du)

Trong câu thơ trên, đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp tu từ nói quá "Chọc trời khuấy nước" nhằm tăng tính chất anh hùng ca trong hành động của nhân vật Từ Hải.

4. Phân biệt nói quá và nói khoác

Phân biệt nói quá và nói khoác

Nói quá và nói khoác đều phóng đại mức độ thế nhưng về bản chất chúng hoàn toàn khác nhau về bản chất.

Nói quá: nói phóng đại mức độ của sự vật hiện tượng trên cơ sở có thật theo hướng tích cực nhằm tăng tính gợi hình gợi cảm, gây ấn tượng mạnh đến người nghe.

Nói khoác: nói phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật hiện tượng trên cơ sở không có thực nhằm mục đích khoe khoang là chính. Đôi khi nói khoác nhằm mục đích để gây ra tiếng cười. Tuy nhiên, nói khoác không hề mang lại giá trị biểu cảm, dễ gây hiểu lầm, thông tin truyền tải bị sai lệch.

Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất giúp bạn trả lời câu hỏi Nói quá là gì, tác dụng của nó ra sao. Hy vọng thông qua những kiến thức phía trên sẽ giúp bạn có thể sử dụng biện pháp tu từ này một cách chuẩn xác.

Viết bình luận