Tự sự là gì?

Văn tự sự là loại văn vô cùng quen thuộc được làm quen ngay từ khi còn học tiểu học. Thế nhưng, ở mỗi cấp khác nhau, văn tự sự lại mang cho mình những yêu cầu, cách làm khác nhau. Vậy thực chất tự sự là gì? Đặc điểm của văn tự sự ra sao? Cấu trúc một bài văn tự sự gồm mấy phần thì không phải ai cũng nắm được. Hãy cùng KienThucVui đi tìm lời giải đáp trong bài biết dưới đây.

Tự sự là gì

I. Tự sự là gì?

Tự sự hay còn gọi là kể chuyện là một phương thức biểu đạt dùng để trình bày các chuỗi sự việc hiện tượng này đến sự việc hiện tượng khác, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa thông qua một chuỗi câu viết, nói hoặc hình ảnh để người nghe dễ dàng nắm bắt.

Khi sử dụng phương thức tự sự, người viết không chỉ cần chú trọng đến sự việc mà còn quan tâm đến việc khắc họa tính cách nhân vật đồng thời nêu lên những nhận thức sâu sắc, mới mẻ về con người và cuộc sống.

Nếu nội dung bài viết có cốt truyện, có nhân vật, có diễn biến sự việc cùng các câu văn trần thuật thì đây đích thị là bài viết được viết theo phương thức tự sự. Phương thức tự sự thường được sử dụng nhiều trong truyện, tiểu thuyết, văn xuôi nói chung hay đôi khi được sử dụng trong thơ (khi muốn kể sự việc).

II. Cấu trúc một bài văn tự sự

Cấu trúc một bài văn tự sự

Tương tự văn miêu tả, biểu cảm, nghị luận, cấu trúc một bài văn tự sự cũng gồm 3 phần:

Mở bài: Giới thiệu nhân vật, sự việc

Thân bài: Diễn biến sự việc từ bắt đầu đến cao trào, nút thắt rồi tháo gỡ nút thắt. Không nên lựa chọn những câu chuyện không có cao trào, nổi bật để kể.

Kết bài: Kết thúc câu chuyện. Thái độ của bản thân về câu chuyện đó.

III. Đặc điểm của văn tự sự

Đặc điểm của văn tự sự

1. Nhân vật

Nhân vật trong văn tự sự là những người thực hiện các sự việc được kể trong văn bản. Xét theo vai trò, ta có nhân vật chính và nhân vật phụ. Trong đó, nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản, nhân vật phụ giúp nhân vật chính hoạt động. Xét theo điểm nhìn, tính chất, người ta chia nhân vật thành 2 tuyến: Chính diện, phản diện. Chính diện thường đại diện cho cái tốt, chuẩn mực. Nhân vật phản diện sẽ đại diện cho cái ác.

2. Sự việc

Sự việc trong văn tự sự là những việc do một nhân vật cụ thể thực hiện mà ở đó có nguyên nhân, diễn biến, kết quả trong một thời gian, địa điểm cụ thể. Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.

3. Chủ đề

Chủ đề của văn tự sự thường là các câu chuyện đời thường hoặc câu chuyện tưởng tượng được bao trùm bởi một ý nghĩa nhất định xuyên suốt bài viết. Đối với dạng kể chuyện đời thường, người viết cần diễn đạt rõ ràng, lời văn gần gũi. Đối với câu chuyện tưởng tượng, yêu cầu người viết phải có sự sáng tạo.

Một bài văn tự có thể có một chủ đề, cũng có thể có nhiều chủ đề, trong đó có một chủ đề chính.

4. Ngôi kể

Ngôi kể trong văn tự sự rất đa dạng. Tùy thuộc vào cốt truyện mà người kể lựa chọn ngôi kể sao cho phù hợp.

Ngôi kể thứ nhất: Nhân vật xưng tôi để kể lại câu chuyện. Khi kể ở ngôi thứ nhất, người kể dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình, khắc họa rõ nét diễn biến tâm lý của nhân vật tôi trong bài.

Ngôi thứ 3: Người viết ẩn mình ở bất cứ đâu trong câu chuyện để kể lại. Dưới góc nhìn thứ 3, câu chuyện mang tính khách quan hơn, phạm vi câu chuyện sẽ rộng hơn, có thể đề cập đến nội dung ở các bối cảnh khác nhau trong một thời gian.

Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba: Khi kết hợp cả hai ngôi kể này, cảm xúc nhân vật sẽ được khắc họa rõ nét đồng thời vẫn đảm bảo tính khách quan cho câu chuyện.

5. Người kể chuyện

Người kể ở đây có thể là tôi hoặc một nhân vật thứ ba chứng kiến toàn bộ cây chuyện. Người kể chuyển có vai trò dẫn dắt câu chuyện, diễn tả tình huống, tả cảnh, bộc lộ thái độ cảm xúc trước diễn biến của sự việc.

6. Lời văn tự sự

Lời văn để kể người, các sự việc. Khi kể về người có thể giới thiệu tên, hình dáng, tính cách, lai lịch, … Kể sự việc thường kể các hành động, lời nói, việc là, sự tác động của nó đến câu chuyện.

7. Thứ tự kể

Thứ tự kể tùy thuộc vào cách diễn đạt của tác giả. Có thể kể sự việc theo trình tự thời gian, việc gì xảy ra trước thì kể trước, việc gì xảy ra sau thì kể sau cho đến khi kết thúc. Ngoài ra, để câu chuyện trở lên bất ngờ, lôi cuốn hơn, tác giả có thể kể về kết quả trước sau mới kể những diễn biến trước đó của câu chuyện.

Trên đây là những kiến thức về Tự sự là gì do KienThucVui tổng hợp lại. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích. Chúc các bạn học tập thật tốt.

Viết bình luận