Điệp ngữ là gì?

Biện pháp tu từ là thứ không thể thiếu trong văn chương, góp phần làm nổi bật nội dung và nghệ thuật. Một trong những biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất phải kể đến điệp ngữ. Vậy điệp ngữ là gì? Có những loại điệp ngữ nào? Tác dụng của điệp ngữ ra sao? Hãy tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Điệp ngữ là gì

I. Điệp ngữ là gì?

Điệp là lặp, ngữ là từ. Điệp ngữ là lặp lại câu, từ nhiều lần trong một đoạn văn, đoạn thơ nhằm mục đích nhấn mạnh, khẳng định, … đồng thời làm nổi bật vấn đề được nhắc đến. Khác với từ đồng âm, điệp ngữ có thể lặp lại nguyên một câu, một đoạn hay một vài từ bất kỳ.

Ví dụ:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công." => Câu nói lặp đi lặp lại cụm từ "đoàn kết, thành công" nhằm mục đích nhấn mạnh vai trò của đoàn kết đến sự thành công.

"Học, học nữa, học mãi" => Điệp từ học nhằm mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học.

II. Các dạng điệp ngữ

Các dạng điệp ngữ

Điệp ngữ được chia thành 3 loại chính sau đây.

1. Điệp ngữ nối tiếp

Là loại điệp ngữ mà các từ lặp lại nối tiếp, liền kề nhau, từ đó tạo điểm nhấn nổi bật về cảm xúc hoặc ý nghĩa quan trọng.

Ví dụ:

"Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Thương em, thương em, thương em biết mấy."
(Phạm Tiến Duật)

Trong hai câu thơ trên, cụm từ "rất lâu" được lặp lại hai lần, cụm từ "thương em" được lặp lại ba lần liên tiếp nhau. Việc sử dụng điệp ngữ nối tiếp trong hai câu thơ trên tạo ra nỗi nhớ thương da diết của anh đối với em tăng lên gấp bội, không gì có thể diễn tả hết được.

2. Điệp ngữ chuyển tiếp

Điệp ngữ chuyển tiếp hay còn được gọi là điệp ngữ vòng. Các từ, cụm từ ở cuối câu văn, câu thơ trước sẽ được lặp lại ở đầu câu văn, câu thơ tiếp theo. Câu thơ, câu văn có sự chuyển tiếp tạo cảm xúc dào dạt cho người đọc, người nghe. Điệp ngữ chuyển tiếp thường được sử dụng nhiều trong thơ lục bát, thất ngôn lục bát, thơ tứ tuyệt, …

Ví dụ: Bài thơ Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm

Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Trong đoạn thơ trên có sử dụng điệp ngữ chuyển tiếp "thấy" và "ngàn dâu". Cả hai từ trên đều xuất hiện ở cuối câu trước và được lặp lại ở đầu câu sau tạo sự chuyển tiếp, trùng trùng, điệp điệp ngút ngàn. Nó không chỉ là màu xanh của dâu mà còn là nỗi nhớ chồng trải dài trong lòng người chinh phụ.

3. Điệp ngữ cách quãng

Trái ngược với điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ cách quãng có các từ ngữ lặp lại giãn cách nhau. Nó có thể cách nhau một câu văn hoặc cách nhau hai ba câu thơ trong một khổ thơ để bổ sung nghĩa cho nhau. Loại điệp ngữ này được sử dụng phổ biến nhất trong thơ ca.

Ví dụ: Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải có đoạn:

"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."

Điệp từ ta được lặp lại ba lần ở đầu mỗi câu thơ, cho thấy khát vọng lớn lao của nhân vật "ta", muốn được hòa mình với thiên nhiên, muốn được cống hiến cho cuộc sống.

III. Tác dụng của điệp ngữ

Tác dụng của điệp ngữ

1. Tác dụng nhấn mạnh

Nhấn mạnh ở đây có thể là sự vật, sự việc hoặc tâm tư, nỗi lòng của nhân vật được nhắc đến.

Ví dụ:

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!"

Cụm từ "một bếp lửa" được lặp lại hai lần ở đầu mỗi câu thơ có tá dụng nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa hằn sâu trong tâm trí người cháu từ đó thể hiện nỗi nhớ nhung da diết về bà, về những ngày thơ ấu được bên bà.

2. Tác dụng liệt kê

Điệp ngữ còn có tác dụng liệt kê các sự vật, sự việc được nhắc tới nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa, tính chất của sự vật, sự việc.

Ví dụ:

Còn trời, còn nước, còn non
Còn cô bán rượu anh n say sưa.

Điệp từ còn được lặp lại nhiều lần để liệt kê những sự vật có liên kết với nhau để nói lên tình cảm của "anh" đối với cô bán rượu.

3. Tác dụng khẳng định

Các từ ngữ được lặp lại nhiều lần có tác dụng khẳng định điều tất yếu, niềm tin của tác giả.

Ví dụ:

"Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phái Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập". (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)

Cụm từ "dân tộc đó" được lặp lại hai lần để khẳng định dân tộc kiên cường, bất khuất đó được tự do, độc lập là một điều tất yếu, không gì có thể thay đổi được.

Trên đây là tổng hợp các kiến thức trả lời cho câu hỏi Điệp ngữ là gì. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích phục vụ cho quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt.

Viết bình luận