Cách chăm sóc cây cảnh trong nhà luôn xanh tốt quanh năm

Không đơn thuần là đưa thiên nhiên vào trong ngôi nhà của bạn, giúp bạn thay đổi không gian sống, cây cảnh còn bảo vệ bạn khỏi những chất ô nhiễm trong nhà như khói, bụi, bi khuẩn, tia bức xạ từ các thiết bị điện tử... Trước những lợi ích to lớn đó, càng nhiều người thích trồng cây cảnh trong nhà. Tuy nhiên, cây cảnh đặt trong nhà lại đòi hỏi cách chăm sóc khác với những loại cây cảnh đặt ngoài trời hay trồng trong đất vườn khiến rất nhiều người gặp khó khăn khi chăm sóc. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi đến bạn cách chăm sóc cây cảnh trong nhà luôn xanh tốt quanh năm.

Cách chăm sóc cây cảnh trong nhà luôn xanh tốt quanh năm

1. Đảm bảo đầy đủ ánh sáng cho cây phát triển

Ánh sáng có tác động trực tiếp tới quá trình quang hợp của cây, giúp cây luôn xanh tốt. Do đó, để chăm sóc cây cảnh trong nhà, yếu tố đầu tiên bạn cần lưu ý chính là lượng ánh sáng cung cấp cho cây. Có những loại cây có khả năng sống trong môi trường thiếu ánh sáng, có cây chỉ chịu được ánh sáng thấp nhưng có những cây cần cung cấp đủ lượng ánh sáng tự nhiên mới có thể phát triển bình thường được.

Đảm bảo đầy đủ ánh sáng cho cây phát triển

Tốt hơn hết, bạn nên đặt cây ở những vị trí có ánh sáng tự nhiên chiếu vào khoảng 2 – 3 giờ mỗi ngày như phòng khách, kệ cửa sổ, ban công hay phía sau khu vực cửa kính vừa giúp cây tránh được gió vừa đảm bảo ánh sáng cho cây phát triển. Trong điều kiện môi trường thiếu sáng như trong văn phòng, hãy đem cây phơi nắng 2 – 3 giờ mỗi tuần để tăng khả năng quang hợp, giúp lá luôn xanh tốt.

Không nên để cây dưới nắng gắt trong thời gian dài hay phía sau khu vực cửa kính có ánh sáng mạnh chiếu qua, cửa kính sẽ hấp thụ nhiệt tại một điểm có thể làm cháy lá cây.

2. Cung cấp vừa đủ lượng nước cho cây cảnh trong nhà

Hầu hết các bệnh ở cây cảnh thường liên quan tới lượng nước tưới. Với mỗi loại cây khác nhau, đòi hỏi một lượng nước tưới khác nhau. Có những cây có bộ rễ phát triển mạnh, hút nước nhanh nhưng cũng có những cây khi tưới quá nhiều sẽ dẫn đến ngập úng. Do đó, trước khi tiến hành chăm sóc cây, bạn cần tìm hiểu kĩ đặc điểm của cây để điều chỉnh lượng nước tưới, Thông thường, cây cảnh trong nhà không đòi hỏi quá nhiều nước, khi nào thấy đất khô thì bổ sung thêm nước tưới là được.

Cung cấp vừa đủ lượng nước cho cây cảnh trong nhà

Ngoài tưới nước đều dưới gốc, bạn cũng nên dùng bình xịt để phun đều lên tán lá cây vừa giúp tăng cường độ ẩm vừa làm sạch bụi bẩn giúp cây quang hợp tốt hơn. Vào mùa hè, bạn có thể tưới 2 lần mỗi ngày, mùa đông cây thoát nước chậm nên chỉ cần tưới một ngày một lần là đủ.

Chậu cây cũng có ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thoát nước của cây. Khi chọn chậu, nên chọn loại có kích thước phù hợp, có đĩa đệm bên dưới vừa dễ dàng di chuyển vừa thoát nước tốt lại không chảy nước ra nhà.

3. Bổ sung dinh dưỡng cho cây

Ngoài tưới nước đều đặn bạn cũng cần bổ sung phân bón cho cây, giúp cây phát triển thuận lợi. Bạn có thể bón phân tổng hợp nhưng cũng có thể bón riêng một vài thành phần nhất định. Cần nhớ, cây cảnh lá màu sẽ cần nhiều Nitơ, cây cảnh cho hoa cần lượng Kali cao còn muốn cây sinh trưởng tốt, ra hoa nhanh, kết quả sớm cần bổ sung thêm Photpho.

Bổ sung dinh dưỡng cho cây

Nếu phát hiện cây thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến còi cọc, chậm phát triển, bạn cũng không nên cấp tốc bổ sung lượng lớn phân bón cho cây dễ khiến rễ cây bị sốc, làm chết cây. Nếu bón quá nhiều, cây phát triển nhanh, làm mất dáng, phá thế thậm chí làm chết cây. Nếu bón quá ít, cây sẽ thiếu dưỡng chất, khó phát triển có thể làm chết cành. Nên một lượng phân bón vừa đủ, chia đều thành các chu kỳ, tốt hơn hết nên bón vào mùa hè và mùa thu, hạn chế bón vào mùa Đông cây sẽ khó hấp thu.

Cây trồng ngoài vườn, bạn có thể lấy xẻng khoét đất trực tiếp nhưng với cây trồng trong nhà, đa số là các chậu cây nhỏ, việc đào bới như vậy sẽ làm đứt rễ, nứt chậu của cây. Tốt hơn hết, bạn nên hòa tan vào nước hoặc thả phân bón tan chậm trên mặt đất để nó ngấm vào đất. Tuyệt đối không nên tưới trực tiếp phân bón lên thân, lá cây sẽ làm cây bị cháy, nặng hơn có thể làm chết cây. Khi trồng thủy sinh, bạn nên dùng dung dịch dinh dưỡng hòa vào nước theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

4. Thường xuyên cắt tỉa, vệ sinh cây cảnh trong nhà

Để giữ được dáng vẻ ban đầu của cây sau một thời gian dài chăm sóc cần cắt tỉa thường xuyên. Bạn nên tỉa bớt cành lá rậm rạp, khô héo hoặc mắc bệnh để giúp cây được sạch sẽ, thanh thoát, hạn chế sâu bọ côn trùng trú ngụ. Cắt bớt phần cành già sẽ kích thích cây mọc chồi non, ra lá mới. Với những cây có bộ rễ phát triển nhanh, khi thay đất, đổi chậu bạn có thể xén bớt rễ để hạn chế tốc độ phát triển của bộ rễ, tránh làm nứt, vỡ chậu.

Thường xuyên cắt tỉa, vệ sinh cây cảnh trong nhà

Song song với việc cắt tỉa cành lá, bạn cũng nên dùng khăn mềm, ẩm để lau sạch bụi bẩn trên lá cây vừa đảm bảo tính thẩm mĩ vừa giúp cây quang hợp tốt hơn. Ngoài ra, việc thường xuyên cắt tỉa, lau lá sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình của cây để đưa ra phương án xử lý kịp thời. Tuy nhiên, trong thành phần của một số cây cảnh có chứa chất độc hại nếu không may ăn phải, chạm phải, khi bón phân cắt tỉa cành lá nên đeo bao tay để hạn chế rủi ro.

5. Phòng trừ bệnh cho cây

Cây cảnh thường ít khi bị sâu bệnh tấn công chủ yếu là bọ, rệp, nấm … tấn công. Nếu lá xuất hiện các đốm vàng bất thường, có thể đó là dấu hiệu cây mắc bệnh nấm. Trước tiên, cần nhanh chóng loại bỏ những lá bị mắc bệnh, tiếp tục theo dõi và tiến hành chăm sóc như bình thường. Với trường hợp bọ, rệp, … tấn công, dùng tay loại bỏ chúng ra khỏi lá, tiến hành lau lá bằng nước xà phòng. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm mà tiếp tục lan rộng cần sử dụng đến thuốc trị sâu bệnh chuyên dụng. Khi phun thuốc cần đưa cây ra khu vực ngoài trời tránh gây nguy hiểm cho người trong nhà.

6. Chăm sóc cây vàng úa

Chăm sóc cây vàng úa

Hầu hết các bệnh ở cây như lá vàng, khô héo hay rụng lá, … nguyên nhân chủ yếu do lượng nước tưới quá nhiều hoặc quá ít. Nếu cây khô héo do thiếu nước, cần bổ sung nước cho cây. Không nên tưới nhiều trong một lần tưới, khiến rễ bị sốc cũng như chậu không thoát nước kịp dẫn đến cây bị úng rễ. Nên tưới vừa đủ, đều đặn mỗi ngày, đừng quên phun sương lên lá cung cấp độ ẩm cho cây. Nếu thừa nước bạn nên di chuyển cây đến vùng thoáng mát cho đất khô, tiến hành tưới nước bình thường và quan sát thêm một thời gian.

Cây còi cọc, chậm phát triển, lá nhợt nhạt thiếu sức sống là do cây ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, khiến cây không thể quang hợp. Hãy đặt cây ở nơi thoáng mát, trong lành, tránh gió mạnh để cây có thể phát triển bình thường. Không nên để ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu xạ vào cây để tránh sức nóng của ánh nắng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cối hoặc cũng có thể làm cho cây bị mất nước.

7. Bảo vệ cây khỏi trẻ nhỏ và thú cưng

Cây trồng trong nhà rất dễ bị trẻ nhỏ hoặc thú cưng tấn công không chỉ làm đổ cây, đất cát vương vãi ra nhà mà gây hại đến chính bản thân chúng. Không phải loại cây nào cũng lành tính. Có những cây trong nhựa, lá, thân tiềm ẩn các chất gây hại có thể làm bỏng rát ra, gây ngộ độc nếu không may ăn phải như cây lưỡi hổ, kim tiền, … Do đó, bạn cần đặt cây tránh xa tầm với của thú cưng hoặc trẻ nhỏ để bảo vệ chúng.

8. Trồng lại cây hàng năm

Trồng lại cây hàng năm

Trồng lại cây hàng năm cũng là một cách chăm sóc bạn cần lưu ý, nhất là với những loại cây có bộ rễ phát triển mạnh. Với những cây trồng phát triển nhanh, quá to so với chậu, bạn nên trồng lại cây ít nhất 1 lần/ năm. Thời điểm thích hợp nhất có lẽ là mùa xuân hay đầu hè, lúc thời tiết thuận lợi.

Cần nhẹ nhàng để lấy cây ra khỏi chậu, tránh làm đứt rễ cây, tiến hành lắc mạnh để đất cũ rơi bớt ra khỏi rễ. Nếu rễ quá chặt không thể nhấc lên được, bạn cần sử dụng con dao lớn để lách vào phần đất sát thành chậu. Cho đất mới vào đáy chậu, đặt cây trở lại và thêm đất mới xung quanh. Mỗi loại cây phù hợp với một loại đất khác nhau, thường sẽ là đất giàu dinh dưỡng trộn lẫn với mùn cưa, xơ dừa để dễ dàng thoát nước.

Trên đây là gơi ý cách chăm sóc cây cảnh trong nhà luôn xanh tốt trong năm được tổng hợp lại dựa trên kinh nghiệm cá nhân cùng nhiều nguồn tham khảo. Hy vọng với những kiến thức trên đây sẽ giúp bạn có những chậu cây cảnh trong nhà luôn xanh tốt, giàu sức sống. Chúc các bạn thành công!!!

Viết bình luận