Anime là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của Anime

Anime là gì? Anime bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa gì với người Nhật nói riêng, với toàn thế giới nói chung. Anime có một nền lịch sử lâu đời từ những năm đầu thế kỷ 20 và bạn không nên nhìn nó theo cái nhìn phiến diện của các bậc phụ huynh. Mọi thứ đều có nhiều mặt và các bạn chỉ có thể đánh giá đúng được một sự vật khi chính thức hiểu rõ được nó. Vậy thì tại sao không nán lại một chút để cùng tìm hiểu về Anime một cách rõ ràng hơn với bài viết dưới đây của KienThucVui.vn.

Anime là gì Nguồn gốc ý nghĩa của Anime

1. Lịch sử Anime

Anime (アニメ) là một từ tiếng Nhật và hiểu một cách thuần Việt nhất chúng ta có thể dịch nó thành "phim hoạt hình".

Phim hoạt hình không bắt nguồn từ Nhật Bản nhưng nó được biết đến rộng rãi nhất là từ Nhật Bản. Phim hoạt hình được biết tới đầu tiên được sản xuất vào năm 1911 và cho đến năm 1914 người ta mới biết đến phim hoạt hình rộng rãi hơn bởi bộ phim hoạt hình Gertie the Dinosaur của nhà sản xuất John Bray.

Anime là gì

Sau 5 năm bắt đầu từ con số 0, ngành giải trí hoạt hình chính thức ra đời và dần dần gặt hái được nhiều thành công to lớn. Nhưng khác với mục đích sáng tạo ra ban đầu chỉ để đề cao tính sáng tạo của một loại hình nghệ thuật mà nó dần dần mang nặng tính thương mại. Đặc biệt là đến năm đầu của thế kỷ XX khi studio Walt Disney ra đời và làm ăn phát đạt với hình ảnh chú Chuột Mickey. Vào thời kỳ này, những họa sĩ phim hoạt hình cực kỳ được tôn trọng trong giới hội họa, thậm chí còn được đặt ngang hàng với những danh họa nổi tiếng trong lịch sử như Da Vinci và Michelangelo.

Hoạt hình bắt đầu du nhập vào Nhật Bản cũng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Trước thành công của kỹ thuật hoạt hình của các nước Tây Âu, các nhà làm phim ở Nhật đã tiến tới thử nghiệm với loại hình nghệ thuật này.

Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Nhật ra đời là Katsudō Shashin (tạm dịch là Tấm hình chuyển động). Bộ phim này dài 3 giây mô tả hình ảnh một cậu bé đội mũ đỏ viết 4 chữ kanji "活動写真" (cũng chính là tên của bộ phim hoạt hình này) sau đó nhấc mũ lên chào.

Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Nhật ra đời là Katsudō Shashin

Đến năm 1917, nhiều tác phẩm hoạt hình Nhật Bản dần được xuất hiện và trình chiếu công khai trước công chúng với các tác phẩm như Yume no jidōsha, Neko to nezumi, Chokin no susume, Namakura Gatana…

Vốn là một đất nước có bề dày rộng lớn về những văn hóa nghệ thuật thanh tao, phim hoạt hình nhanh chóng được người dân Nhật đón nhận. Cho đến năm 1930, ngành nghệ thuật này đã củng cố được vị thế vững chắc của mình khi dần thay thế cho phim người đóng. Mặc dù chịu nhiều sự cạnh tranh tới từ các bộ phim hoạt hình nước ngoài nhưng nhờ có sự ủng hộ lớn từ chính phủ đương thời nên ngành hoạt hình Nhật Bản thời gian đó đã có nhiều bước tiến trong kỹ thuật hoạt hình. Lúc này phần lớn các bộ phim hoạt hình Nhật Bản được sản xuất ra đều nhằm mục đích giáo dục và tuyên chuyền thay lời của nhà nước.

Bộ phim hoạt hình Nhật Bản có thời lượng lớn đầu tiên được sản xuất vào năm 1944 với sự tài trợ của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Bộ phim đó có tên là Momotarō: Umi no Shinpei, với nội dung tuyên truyền cho Thế chiến thứ 2.

Bộ phim hoạt hình Nhật Bản có thời lượng lớn đầu tiên được sản xuất vào năm 1944

Đến năm 70 của thế kỷ XX, những tác phẩm truyện tranh manga, truyện đồ họa hay sách tranh được phát triển mạnh nâng lên tầm đại chúng. Điều này tạo ảnh hưởng rất lớn tới ngành công nghiệp hoạt hình bởi sự chuyển thể từ truyện/tranh sang anime. Vào thời kỳ những năm 1980, trào lưu phim hoạt hình về các robot biến hình lớn mạnh và nổi tiếng nhất đến hiện nay là loạt phim về người máy khổng lồ Gundam.

Đến năm 1995, bộ phim hoạt hình Shin Seiki Evangelion ra đời đã thay đổi sự phổ biến của dòng phim robot. Cho đến ngày nay thì Shin Seiki Evangelion vẫn là một trong những bộ anime nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, cũng thường xuyên góp mặt trong top 10 những bộ hoạt hình nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Shin Seiki Evangelion ra đời vào 1955

Qua các năm, chất lượng hình ảnh, chất lượng âm thanh và chất lượng nội dung của những bộ anime ngày một được nâng cao một cách nhanh chóng. Ngày nay người ta có thể xem những bộ anime với hình ảnh chân thực và đẹp đến mức y như là phim người đóng thật. Tất cả sự phát triển đó chỉ vỏn vẹn chưa quá một trăm năm.

2. Cái tên Anime

Cái tên Anime bắt nguồn từ một từ ngữ trong tiếng Anh là "animation" có nghĩa là sự chuyển động. Animation khi được chuyển sang từ tiếng Nhật dưới dạng katakana được đọc là "animēshon", sau đó được người ta viết rút ngắn lại là "anime".

Tuy nhiên giả thiết trên cũng có nhiều tranh cãi khi một vài luận điểm lại nói rằng từ "Anime" không bắt nguồn từ tiếng Anh mà nó là một từ rút ra trong tiếng Pháp "dessin animé" cũng có nghĩa là phim hoạt hình.

Dù rằng được biến tới và sử dụng phổ biến trên toàn thế giới như bây giờ nhưng ban đầu phim hoạt hình Nhật lại không được gọi với cái tên "anime". Từ những năm 70 cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, người Nhật gọi những bức họa biết cử động đó bằng cái tên "Japanimation".

Japanimation

Khi cái tên "Anime" mới xuất hiện thay thế "Japanimation", nó còn từng bị vấp phải những phản đối bình phẩm gay gắt. Miyazaki Hayao phát biểu rằng ông xem thường từ bị cắt xén "anime" bởi vì với ông thì nó thể hiện sự hoang tàn của ngành công nghiệp anime. Ông đã đặt ngang hàng sự hoang tàn đó với các họa sĩ diễn hoạt thiếu động lực và các sản phẩm thái quá chủ nghĩa biểu hiện được sản xuất hàng loạt, dựa vào một biểu tượng học cố định của biểu cảm khuôn mặt cùng những phân cảnh hành động bị kéo dài và phóng đại nhưng lại thiếu đi chiều sâu và sự tinh tế bên trong do họ không cố gắng truyền đạt cảm xúc hoặc suy nghĩ.

Nhưng xét cho đến cùng, "Anime" vẫn được đưa vào thay thế và sử dụng đến ngày nay. Nó cũng chính thức được có mặt trong từ điển của rất nhiều quốc gia trên thế giới.

3. Ý nghĩa của Anime

Bắt đầu với ý nghĩa nghệ thuật cùng các bức vẽ, Anime có tác dụng và tuyên truyền tới người xem. Nhưng việc để làm ra một đoạn anime ngắn thôi cũng tốn rất nhiều công sức và của cải, có khi yêu cầu hàng chục người phải làm việc hàng năm trời cho một thước phim hoạt hình dài 5 phút.

Với công sức và tiền bạc bỏ ra, chỉ động lực với nghệ thuật không thể giúp người ta cho ra những thước phim hoạt hình có sự chỉn chu cả âm thanh lẫn hình ảnh và nội dung.

Chính vì vậy họ - những người sản xuất phim hoạt hình đã phải cân bằng giữa tính nghệ thuật và tính thương mại của những bộ phim. Họ sử dụng những bộ phim để kiếm tiền bù lại vốn bỏ ra sản xuất và trả lương cho nhân viên.

Dần dần việc kiếm tiền bằng anime càng thuật lợi và dần phát triển thành một ngành công nghiệp, tính thương mại dần lấn át đi tính nghệ thuật. Người ta thường nghiên cứu xu hướng yêu thích của phần đông người xem và chọn một kịch bản hay những hình ảnh thu hút người ta nhất.

Để có một tác phẩm vừa mang tính nghệ thuật và vừa thu hút đông người xem mang về nhiều lợi nhuận là một việc rất khó khăn. Chính vì vậy mà các tác phẩm anime dần nghiêng về mặt lợi nhuận hơn là sự nghệ thuật mà nó vốn có từ thuở ban đầu.

Tuy nhiên không phải tất cả các bộ anime đều chạy theo lợi nhuận, vẫn có những bộ anime mang đậm tính chất nghệ thuật và truyển tài nhiều thông tin đầy ý nghĩa. Một ví dụ điển hình cho một bộ anime mang đầy tính nghệ thuật đó chính là Spirited Away còn được biết đến với cái tên tiếng Việt là Vùng đất linh hồn. Đây là một tác phẩm được ra mắt vào năm 2001 nhưng vẫn đứng vững ở vị trí đầu tiên trong số các bộ anime thành công nhất lịch sử Nhật Bản. Doanh thu của nó đạt 274 triệu USD trên toàn thế giới cùng những lời khen ngợi từ giới phê bình phim và ẵm luôn giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất.

Spirited Away

Spirited Away là hành trình phiêu lưu của cô bé 10 tuổi Chihiro ở vùng đất của những linh hồn. Miyazaki đã tạo ra một thế giới với nhiều nhân vật có chiều sâu, nhiều sự kiện và câu chuyện ly kỳ không tưởng. Phim là một trong những giấc mơ kỳ ảo và xinh đẹp nhất mà Miyazaki nói riêng và Studio Ghibli nói chung mang đến cho nhiều thế hệ, không chỉ riêng lứa tuổi trẻ em.

Spirited Away là hành trình phiêu lưu của cô bé 10 tuổi Chihiro ở vùng đất của những linh hồn

Những ý nghĩa tuyệt vời được cài cắm xuyên suốt khắp bộ phim khiến người xem phải không ngừng suy ngẫm về nó. Bộ phim nói lên rằng chỉ có những tâm hồn trong sạch mới có thể cảm hóa được sự tham lam, người tốt vẫn luôn tồn tại dù thế giới xung quanh có quái dị như thế nào đi nữa, phạm sai lầm không phải vấn đề lớn vấn đề lớn là sau đó bạn phải biết sửa sai mới là một đứa trẻ ngoan…

Trong bộ truyện tranh đình đám Bakuman, hai tác giả truyện tranh nổi tiếng đã từng mượn lời của một nhân vật là họa sĩ sáng tác truyện tranh mà nói rằng:

"Chúng ta làm nghề này vì chúng ta muốn truyện bán chạy, nhưng là ví chúng ta không đủ tài. Nếu những gì chúng ta vẽ thật sự là nghệ thuật và nó có thể lay động lòng người thì đấy mới là con đường tốt nhất. Ngày xưa, từ thế hệ cha ông của chúng ta, và có thể bây giờ vẫn còn có nhiều cha mẹ cấm con họ đọc truyện tranh bởi vì họ nghĩ chúng sẽ làm lũ trẻ ngu đi. Nhưng ngày qua ngày, manga dần được chấp nhận là một loại hình nghệ thuật. Nên tôi nghĩ mình nên viết ra những thứ gì đó mà cả nội dung và chất lượng đều không làm ô danh loại hình ấy. Nhưng chúng ta chưa có trình độ đó, nên phải vẽ ra cái gì đó độc giả thích nhất. Tôi nghĩ mọi người nên vẽ hết khả năng mình có, phải vẽ hết khả năng mình có."

Bakuman

Nhờ có họ, những người họa sĩ thật sự muốn vươn hết mình vì nghệ thuật, anime hay truyện tranh không chỉ là những công cụ kiếm tiền của nhà sản xuất mà nó còn mang ý nghĩa nghệ thuật và văn hóa to lớn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của KienThucVui.vn chúng tôi về Anime cùng với nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Hy vọng bài viết đã truyền tải được đầy đủ những thông tin mà bạn muốn biết muốn hiểu về anime.

Viết bình luận