Cách chăm sóc cây lưỡi hổ tại nhà

Lưỡi hồ, loại cây vừa có tác dụng trang trí nhà cửa, cải tạo không gian sống vừa có tác dụng đối với sức khỏe cũng như trong phong thủy. Với tác dụng tuyệt vời mà nó mang lại, lưỡi hổ trở thành loại cây kiểng văn phòng được rất nhiều người ưa chuộng và yêu thích. Tuy nhiên, việc giữ cây luôn được xanh tươi, đem lại may mắn tài lộc lại là vấn đề đau đầu của rất nhiều người. Hiểu được tâm lý đó, sau đây, chúng tôi xin được chia sẻ đến bạn cách chăm sóc cây lưỡi hổ tại nhà, văn phòng. Mời bạn cùng theo dõi và chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất.

Cách chăm sóc cây lưỡi hổ tại nhà, văn phòng

I. Đặc điểm của cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ có lá dài, dẹt thường mọc thành bụi có 4-6 lá. Lá có màu xanh bóng, 2 bên lá có viền vàng chạy dọc từ gốc tới ngọn. Lưỡi hổ cũng ra hoa, tuy nhiên người trồng lại khá hiếm khi thấy hoa của loại cây này. Hoa lưỡi hổ thường có màu trắng lục, nhạt, cánh mềm mại. Hoa tàn, đậu quả, quả lưỡi hổ khá mọng, có 1-3 hạt.

Cây có nhu cầu nước trung bình, lá xanh quanh năm đem đến không gian xanh ngát, trong lành và dễ chịu. Cây có tốc độ sinh trưởng khá nhanh, cách chăm sóc cũng tương đối đơn giản và dễ dàng, thế nhưng khả năng chịu rét kém. Cây lưỡi hổ thuộc loại cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần phù hợp làm cây trang trí nội thất, cây văn phòng, trang trí tủ kệ, bàn làm việc, quầy tiếp tân, …

Cây lưỡi hổ thuộc loại cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần phù hợp làm cây trang trí nội thất

Đặc biệt, trong phong thủy, lưỡi hổ tượng trưng cho may mắn, bình an, phù hợp để tặng cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc thành công, tài lộc. Ngoài ra, cây còn có tác dụng rất tốt đối với việc điều hòa không khí, hấp thu những chất độc hại mang đến không gian trong lành, sạch sẽ. Nếu bạn muốn biết những tác dụng khác của cây lưỡi hổ, có thể tìm hiểu thêm tại đây.

II. Cách trồng cây lưỡi hổ

Đất trồng: Cây lưỡi hổ khá dễ trồng do đó bạn chỉ cần sử dụng đất trồng là hỗn hợp của đất thịt và mùn theo tỉ lệ 2:1.

Về phương pháp nhân giống, có hai cách, đố là tách lấy những đoạn thân hoặc rễ có mầm để giâm hoặc giâm từ những khúc lá. Thời điểm thích hợp để nhân giống là khoảng thời gian từ mùa xuân đến cuối mùa hè. Bạn có thể chọn một chậu cây cảnh thấp, cho vào hỗn hợp đất. Chọn lá non, khỏe có mày đẹp, cắt ngang sát gốc. Sau đó cắt lá thành những khúc dài 5cm rồi chôn các khúc lá vào khoảng ½ chậu. Thời gian này bạn nên tưới ít nước, đặt chậu cây nơi có nhiều ánh sáng, nhiệt độ cao để cây phát triển tốt nhất.

Cây lớn, khi rễ đã đầy cả chậu, bạn có thể chuyển cây sang chậu lớn hơn. Nên thay chậu vào dịp mùa xuân, thời điểm giúp cây phát triển một cách tốt nhất. Khi thay đất nên chú ý chọn loại đất, thêm 1/3 cát to đồng thời chú ý đến việc thoát nước cho chậu cảnh để cây không bị úng.

III. Cách chăm sóc cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ khá dễ trồng, do đó, cây vừa có thể trồng trong chậu để sàn văn phòng, cây mini để bàn, trên kệ hay trồng thủy sinh. Đối với mỗi loại sẽ có một số lưu ý khác nhau, hãy cùng tìm hiểu phương pháp đối với từng loại nhé.

1. Cây lưỡi hổ đặt sàn văn phòng/ để bàn

Cây lưỡi hổ đặt sàn văn phòng, để bàn

Cây lưỡi hổ chịu hạn khá tốt, do đó, trong quá trình chăm sóc, bạn hãy tưới nước cho cây theo chu kỳ 25-30 ngày cho 1 lần tưới. Khi tưới nên tưới đều toàn bộ bề mặt chậu cây đảm bảo lượng nước đủ để làm ẩm toàn bộ đất trong chậu. Chậu trồng cây cũng cần phải có lối thông thoát tốt giúp dễ dàng thoát lượng nước dư thừa. Bởi nếu quá nhiều nước, cây sẽ xảy ra tình trạng bị úng nước, lâu ngày sẽ bị hỏng.

Với cây lưỡi hổ để bàn, thực hiện tưới nước theo chu kì 20-25 ngày/ lần. Bạn có thể sử dụng bình xịt nước tưới đều lên lá và đất cho cây.

2. Cây lưỡi hổ thủy sinh

Cây lưỡi hổ thủy sinh

Cây lưỡi hổ không có khả năng chịu được nhiệt độ quá lạnh, do đó, khi trồng thủy sinh cần đảm bảo nhiệt độ ấm không được thấp hơn 13 độ C. Khi trồng thủy sinh, tránh để cây ở vị trí có ánh nắng gay gắt, nhất là khu vực gần cửa kính có nắng chiếu trực tiếp vì ánh nắng qua cửa kính rất dễ làm hỏng cây. Để cây đạt sức khỏe tốt nhất, không nên để mực nước quá ½ chiều cao của bộ rễ. Khi thấy nước trong chậu có dấu hiệu đục dần, hãy thay nước.

3. Bổ sung chất dinh dưỡng cho cây

Cây trồng lâu ngày sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng, do đó, bạn có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho cây bằng cách mỗi tháng/ lần bón cho cây loại phân bón giàu potasse (loại dành cho xương rồng hay cây mỏ hạc). Khi bón phân, tránh bón phân vào mùa lạnh, nên bón phân vào mùa xuân hoặc mùa hè.

IV. Một số loại bệnh thường gặp trên cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ chống chịu sâu bệnh tốt, do đó chỉ cần chú ý đến tình trạng cây, xem cây thừa hay thiếu nước, ánh sáng mạnh hay yếu để tinh chỉnh sao cho phù hợp. Sau đây là một số bệnh phổ biến và cách khắc phục.

  • Đốm nâu trên lá, thối ở gốc: dư nước.
  • Lá bị thâm đen và mềm: nhiệt độ quá thấp.
  • Ngọn lá khô, từng mảng nâu rải rác: ánh nắng chiếu qua cửa kính quá nhiều, cần đưa cây vào nơi có bóng râm hoặc khu vực hạn chế ánh nắng chiếu qua cửa kính.
  • Lá nhạt màu hay mất sự pha trộn: thiếu ánh sáng.
  • Lá con quá mềm: Bón phân quá nhiều vì thế cần giảm bớt trong một thời gian, giúp cây hồi phục nhanh chóng.

Trên đây là cách chăm sóc cây lưỡi hổ đơn giản tại nhà. Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây, giúp cây phát triển mạnh khỏe, đem lại may mắn, thuận lợi và suôn sẻ trong cuộc sống.

Viết bình luận